Vào năm Ất Dậu (265), nhà Tấn đánh bại Ngụy, Thục, Ngô; đất Giao Châu thuộc về nhà Tấn.
Nhà Tấn phong cho con em họ hàng ra trị trấn các nơi, nhưng các thân vương cứ dấy binh chém giết lẫn nhau để tranh hùng tranh bá, làm cho nước Tấn nhanh chóng rơi vào thế suy yếu. Nhân cơ hội đó, các nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, Hán… nổi dậy chiếm cả vùng phía Bắc sông Trường Giang. Nhà Tấn chỉ còn vùng đất ở Đông Nam, phải dời đô về Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay) còn gọi là Đông Tấn. Đến năm 420 (năm Canh Thân) Lư Du cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Trung Quốc bấy giờ được phân ra làm Bắc Triều và Nam Triều. Bắc Triều có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu thay nhau trị vì. Nam Triều có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần trị vì. Năm 479, nhà Tống mất ngôi cho nhà Tề. Trị vì được 22 năm thì nhà Lương cướp ngôi của nhà Tề. Lên trị vì, nhà Lương cử Tiêu Tư sang làm Thứ sử Giao Châu. Các quan lại nhà Lương cai trị Giao Châu đã áp bức, bóc lột dân Giao Châu thậm tệ khiến cho đời sống lầm than, cực khổ; người người căm giận. Chính trong bối cảnh đó, Lý Bí – một con người thông minh tài giỏi đã lãnh đạo dân Giao Châu chống lại quân nhà Lương cai trị.
Lý Nam Đế chính là vị vua đầu tiên sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nên nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam. Ông còn được gọi là Lý Bí hay Lý Bôn.
Lý Bí xuất thân từ một hào trưởng địa phương. Theo sử cũ, quê ông ở huyện Thái Bình (có lẽ ở phía trên thị xã Sơn Tây, trên hai bờ sông Hồng). Một thời, ông có ra làm việc với chính quyền đô hộ, nhận một chức quan nhỏ: giám quận (kiểm soát quân sự) ở Cửu Đức, Đức Châu (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Yêu nước, thương dân, bất bình với bè lũ đô hộ, ông sớm bỏ quan, về quê ở Thái Bình. Vùng quê ông có Tinh Thiều, giỏi văn chương, lặn lội sang kinh đô nhà Lương (Nam Kinh) xin bổ một chức quan (trước năm 521). Nam triều Trung Quốc cho đến thời Lương, phân biệt tôn ti chặt chẽ giữa quý tộc và bình dân. Lại bộ thượng thư nhà Lương là Sái Tôn bảo họ Tinh là hàn môn, không có tiên hiền, chỉ cho Thiều làm Quảng Dương môn lang tức là chân canh cổng thành phía tây kinh đô Kiến Khang. Tinh Thiều lấy thế làm xấu hổ, không nhận chức về quê, cùng Lý Bí mưu tính việc khởi nghĩa, chiêu tập hiền tài.
Lý Bí, nhân lòng oán hận của dân, đã liên kết với hào kiệt các châu thuộc miền đất Giao Châu nước ta (Việt Nam xưa), đồng thời nổi dậy chống Lương. Theo sử cũ Việt Nam, thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí đã đem quân theo trước tiên, Phạm Tu cũng là một tướng tài của Lý Bí từ buổi đầu khởi nghĩa.
Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí lớn mạnh. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Tinh Thiều, một người giỏi từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra trong lực lượng của Lý Bí còn có các võ tướng là Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư - Tướng nhà Lương khí đó, liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót để được tha chạy thoát về Quảng châu. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.
Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bí. Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao châu. Cuối năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Giao châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị quân Lý Bí đánh bại, 10 phần chết đến 6, 7 phần.
Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cộng thêm quận Hợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay.
Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và đánh lên quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào Nam đánh giặc. Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy.
Tháng giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Lý Bí là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, Việt đế theo sử Bắc (Tự trị thông giám) hay Nam đế theo sử Nam. Và bãi bỏ chính sóc (lịch) của Trung Quốc, ông cũng đặt cho Vạn Xuân và triều đại mới một niên hiệu riêng, Đại Đức theo sử Bắc hay Thiên Đức theo sử Nam (Thiên Đức phải hơn, vì khảo cổ học đã tìm thấy những đồng tiền Thiên Đức đúc thời Lý Nam Đế).
Xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đối chọi với Bắc, lấy Việt đối sánh với Hoa, những điều đó nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập. Đó là sự ngang nhiên phủ định quyền làm "bá chủ toàn thiên hạ" của hoàng đế phương bắc, vạch rõ sơn hà, cương vực, và là sự khẳng định dứt khoát rằng nòi giống Việt phương Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí địa lý trung tâm đất nước của miền sông nước Tô Lịch. Hà Nội cổ, từ giữa thế kỷ 6, bước lên hàng đầu của lịch sử đất nước.
Cơ cấu triều đình mới, hẳn còn sơ sài, nhưng ngoài hoàng đế đứng đầu, bên dưới đã có hai ban văn võ. Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ, Triệu Túc làm thái phó, Lý Phục Man được cử làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Sơn Bình) đến Đường Lâm (Ba Vì) "để phòng ngừa Di Lão" Triều đình Vạn Xuân là mô hình, lần đầu tiên, được Việt Nam thâu hóa và áp dụng của một cơ cấu nhà nước mới, theo chế độ tập quyền trung ương. Lý Nam Đế cho xây một đài Vạn Xuân để làm nơi văn võ bá quan triều hội.
Nhà nước Vạn Xuân, dù mới dựng, cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của Việt Nam. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày nay. Ngay cái tên, "chùa Mở Nước" cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa!
Đầu năm 545, nhà Lương bắt đầu tổ chức cuộc xâm lược Vạn Xuân nhằm chinh phục lại châu Giao, "thuộc quốc" cũ. Dương Phiêu được cử làm thứ sử châu Giao. Trần Bá Tiên, viên tướng vũ dũng xuất thân "hàn môn" nhưng có công đánh dẹp châu Quảng, được cử làm tư mã Giao Châu, lĩnh thái thú Vũ Bình, cùng Dương Phiêu tổ chức cuộc chinh phục Vạn Xuân.
Khi quân của Trần Bá Tiên đến Giao Châu; Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra đánh, bị thua ở Chu Diên và ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận. Ông chạy về thành Gia Ninh (xã Gia Ninh nay thuộc xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên chiếm thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, ông đem 2 vạn quân từ đất Lạo sang đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Quân Lương dừng lại ở cửa hồ không dám tiến đánh ngay. Đến đêm, mưa lũ, nước sông lên mạnh, tràn ngập vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ.
Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau lần thất bại lớn thứ ba này, ông phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú).
Tương truyền, về cuối đời, Lý Nam Đế bị mù. Thần thành hoàng Danh Hựu vẫn được các làng chung quan gọi là "Vua mù" và khi tế lễ, phải xướng tên các vật phẩm để thần biết.
Theo sử cũ của Việt Nam, từ sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị đau yếu luôn. Hai năm sau ông mất (548).
Cuộc kháng chiến chống ách Bắc thuộc của người Việt sau đó được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, một tướng cũ của Lý Bí với căn cứ khởi nghĩa tại đầm Dạ Trạch.
Đình thờ vua Lý Nam Đế ở xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Vương triều Tiền Lý tồn tại trong thời gian khoảng 60 năm (544-602), với 4 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Lý Đào Lang Vương (549-555), Triệu Việt Vương (549-570) và Hậu Lý Nam Đế (571-602).
Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua.
Nguồn: Tổng hợp
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, một gameshow mới mang tên “Sức nước ngàn năm” sắp lên sóng VTV.
MC Nguyên Khang quyết định làm mới hình ảnh và lần đầu tiên thử sức mình trong một chương trình về pháp luật phát sóng trên VTV.
Sáng tạo Việt – gameshow công nghệ thú vị trên sóng VTV
Với những đam mê và sáng tạo không ngừng, Smartschool luôn nỗ lực đóng góp hiệu quả cho hành trình vươn tới thành công và sự phát triển chung của toàn xã hội.
Chiều ngày 22/12/2023, Smartschool tổ chức thành công buổi Workshop xin ý kiến góp ý, đồng thời hướng dẫn thầy cô cách khai thác triệt để hệ thống thư viện học liệu điện tử
Với tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng và mất gần 5 năm chuẩn bị, tháng 2/2019 Điện Kiến Trung được bắt đầu trùng tu cho đến đầu năm 2024 mới hoàn tất và mở cửa.
Một trong những nét đặc trưng nổi bật của lối kiến trúc thời Lý Trần còn được lưu trữ tới ngày nay chính là những dấu vết về những bộ mái ngói mang phong cách riêng biệt với độ hoàn thiện và thẩm mỹ cao.
Sáng ngày 6/4/2018, Ngày hội Công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô lần thứ IV đã chính thức khai mạc tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ với chủ đề “Giáo dục thông minh trong thời kì hội nhập quốc tế”.