Ngày 21/4, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức hội thảo “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam”.
Hội thảo có sự đồng hành tài trợ của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia có tính hệ thống cao, có sự liên kết chặt chẽ với các quy hoạch khác như quy hoạch: than, năng lượng tái tạo, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, giao thông, xã hội và không gian du lịch…Chính vì vậy, để Quy hoạch điện VIII có hiệu quả, tính khả thi cao nhất khi được đưa vào triển khai thực hiện, đáp ứng được sự mong mỏi của các thành phần hoạt động kinh tế trong xã hội, đặc biệt là những ngành liên quan, các cơ quan, tổ chức và các cá nhân hoạt động trong khu vực điện lực, cần thiết phải có chủ trương, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công mọi mặt nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong giai đoạn tới.
Hôm nay, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam với chức năng xây dựng và phản biện chính sách, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam” để lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức, nhà đầu tư để một lần nữa làm rõ vai trò của điện khí trong giai đoạn tới, có tầm nhìn đến năm 2050, góp phần phát triển ngành khí nói riêng và phát triển kinh tế Việt Nam nói chung.
TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã thông tin về một số định hướng phát triển nguồn trong dự thảo Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, cơ cấu công suất thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030, trong giai đoạn này không phát triển thêm nhiệt điện than mới ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng khí từ 7GW năm 2020 lên 13,5GW năm 2025 và 28 - 33GW năm 2030. Tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 15% năm 2020 lên 21 - 23% năm 2030.
Về một số định hướng phát triển nguồn trong dự thảo Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2031 – 2045, cơ cấu công suất: giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 27% vào năm 2030 xuống còn 17 - 18% năm 2045. Tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí tăng dần từ 21 - 22% vào năm 2030 lên tới 24 - 25% vào năm 2045. Tỷ trọng thủy điện sẽ giảm dần (do hiện đã khai thác gần hết tiềm năng). Các nguồn điện gió và mặt trời sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, với tỷ trọng công suất lên tới trên 42% vào năm 2045. Tỷ trọng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) đạt 53% năm 2045.
Về cơ cấu điện năng: nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 40% vào năm 2030 xuống còn khoảng 30% vào năm 2045; nhiệt điện khí sẽ tăng dần từ 24 - 26% vào năm 2030 lên trên 28 - 30% vào năm 2045.
Nói về lộ trình chuyển đổi năng lượng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ: Để đảm bảo việc trung hòa carbon vào năm 2050, tất cả các phương án đề xuất tính toán đều phải thực hiện chuyển đổi năng lượng và tuân thủ các nguyên tắc chung sau:
Nguồn điện than: chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối/amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Nguồn điện LNG: chỉ phát triển các nguồn điện LNG trước năm 2035. Sẽ chuyển dần sang sử dụng hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm) và chuyển hẳn sang sử dụng hydrogen khi công nghệ thương mại hóa và giá thành phù hợp.
Nguồn điện sử dụng khí trong nước: ưu tiên khai thác, sử dụng hết lượng khí trong nước để cung cấp cho sản xuất điện nhằm tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, khi cần thiết đốt kèm nhiên liệu hydrogen.
Nguồn điện năng lượng tái tạo: tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Hội thảo “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam”
Theo TS. Mai Duy Thiện, trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau hội nghị về biến đổi khí hậu (COP 21) nhu cầu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) trên thế giới tăng đáng kể. Theo thống kê nhu cầu LNG trên thế giới tăng 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Việt Nam đã định hướng sử dụng nguồn nhiên liệu này từ những năm đầu thế kỷ XXI. Cụ thể đã được xây dựng quy hoạch các dự án phát triển khí và nhập khẩu LNG trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 (quy hoạch khí) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt Quy hoạch năng lượng quốc gia (Quy hoạch điện VIII), trong đó có đặt ra các nội dung rất cụ thể, rõ nét về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước.
“Khác với năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần, lượng phát thải carbon thấp hơn một nửa (50%) so với nhiệt điện than. Đồng thời điện khí hóa lỏng có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, thời gian xây dựng và đưa vào vận hành nhanh đáp ứng được tình trạng thiếu điện nếu có, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời”, TS. Mai Duy Thiện nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn và thách thức trong phát triển nhiệt điện khí tại Việt Nam; vai trò của các dự án nhà máy điện khí trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045; thực trạng tiến độ các dự án điện khí trọng điểm… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, khẳng định vai trò của điện khí trong nền kinh tế nước ta thời gian tới.
Ban tổ chức chương trình cảm ơn sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Nguồn: https://nangluongsachvietnam.vn/
Chuyển dịch năng lượng và vai trò của ngành công nghiệp khí. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và lợi thế về tiềm năng, ngành công nghiệp khí trong thời gian tới sẽ có những phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho hay, cử tri cả nước còn rất băn khoăn lo lắng đến việc xây dựng 2 môn tích hợp trong chương trình SGK tới đây và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ về phương án tích hợp 5 môn.